Mưa lũ, triều cường uy hiếp bãi biển Cẩm An và Cửa Đại

Triều cường liên tục tấn công, xé sâu vào một phần các bờ biển Cẩm An và Cửa Đại.

Có mặt tại bờ biển Cẩm An sáng 18.12, chúng tôi ghi nhận có khoảng hơn 500m chiều dài bờ biển dọc từ khách sạn Pam Garden qua khỏi Resort Agribank Hoi An thuộc địa phận khối Tân Thịnh bị sạt lở nghiêm trọng. Sau khi “nuốt chửng” hơn 100m bãi cát trắng theo chiều từ mép sóng vào bờ, triều cường đã công phá, xuyên thủng bờ tường rào của khách sạn Pam Garden, tạo vực sâu giữa khuôn viên khách sạn với mực nước biển khoảng 3m. Từng đống gạch đá bờ tường ngăn cách địa giới khách sạn với bãi tắm trước đây, nay bị sóng đánh dồn đống, nằm la liệt dưới chân ta luy. Khách sạn đã phải điều động nhân công và máy múc tạm thời bốc xếp lại, nhưng giải pháp này chỉ để dẹp gọn hiện trường, hoàn toàn chưa có tác dụng chắn sóng.


Bờ biển tại Hội An tiếp tục bị sạt lở. Ảnh: LÊ HIỀN
Sát ngay đó, phần bãi cát từ công viên Vườn tượng bốn mùa đổ ra biển cũng đã bị triều cường “nuốt chửng”. Vực sâu bờ biển của công viên đến mép sóng cao khoảng hơn 3m. Những gốc cây phi lao vài chục năm tuổi cũng bị sóng đánh tung, rửa trôi, nằm chỏng chơ trên ta luy. Một số bao tải địa loại lớn kè ở các vùng biển giáp địa phận khách sạn Pam Garden gần đó cũng bị sóng giữ đánh tan, dạt vào bờ.

Có mặt tại hiện trường, ông Đinh Xá (ở khối Tân Thịnh, phường Cẩm An) nói: “Tôi ở đây làm biển hai mươi mấy năm ni rồi, chưa có hồi mô mà sạt lở như ri hết. Từ khi biển động, sạt lở mỗi đêm 4 – 5m, lần lần bãi biển ni mất hết. Vậy nên tôi mong muốn cấp trên vào mùa hè cố gắng kè chắn lại cho bãi biển này không mất. Nếu mà càng ngày càng lở dần vô thì người dân chúng tôi không làm biển được. Mới cách đây một tháng đã mất hai ba chục mét rồi”.

Nối tiếp với công viên Vườn tượng bốn mùa, phần bờ biển chạy dọc theo khu nghĩ dưỡng Agribank resort Hoi An còn bị sóng đánh tan hoang hơn. Khách sạn này tọa lạc trên đỉnh cồn cát cao. Chính vì vậy, khi sóng xâm thực bãi biển phía ngoài, rồi tấn công vào địa giới khu vực khuôn viên khu nghĩ dưỡng đã tạo thành ta luy, với vực sâu có đoạn hơn 5m. Một số cây dừa, phi lao bị sóng đánh tung, đổ hẳn xuống bãi biển. Khi nước rút, một số người dân địa phương tranh thủ cưa cắt, mang về làm củi nấu. Vọng gác bảo vệ nằm trong khuôn viên khách sạn, phía tiếp giáp với mặt biển cũng bị sóng đánh đổ sập hoàn toàn.

Khảo sát thực địa ngay tại bờ biển, ông Nguyễn Văn Quang – Phó Chủ tịch UBND phường Cẩm An thông tin: “Trong những ngày qua, đặc biệt là 15 và 16.12, ảnh hưởng của mưa lũ và triều cường dâng, bờ biển Cẩm An đã sạt lở rất nghiêm trọng. Hiện nay, phường cũng đề xuất thành phố cũng như tỉnh có biện pháp căn cơ để làm thế nào đó kè giữ bờ biển của Cẩm An. Biển đã ăn rất sâu vào đất liền, tương lai sẽ mở rộng về phía biển An Bàng, tiếp tục gây sạt lở”.

Trong khi đó, ông Lê Công Sỹ – Phó Chủ tịch UBND phường Cửa Đại cho biết, mưa lũ, nước từ thượng nguồn về quá lớn, cùng với gió chướng đã làm cho triều cường mạnh hơn gấp bội nên nhiều đoạn bờ biển Cửa Đại tiếp tục bị sạt lở, nhất là đoạn tiếp giáp với bờ biển Cẩm An. Riêng ở đoạn đã kè bằng bao tải địa loại lớn xếp chồng lên nhau trước đây, thuộc khu vực từ phía khách sạn Victoria tới bãi tắm chính cũng đã bị sóng đánh đến mức sụt lún. Trước mắt, chưa cho giải pháp căn cơ nào cho các điểm sạt lở này.

Bờ biển Cẩm An và Cửa Đại đang rất cần một nguồn lực đầu tư lớn, mang tính tổng thể, toàn diện và nhất quán hơn, thay vì những nỗ lực tạm thời từ phía chính quyền, người dân và doanh nghiệp như bấy lâu nay. Bởi nhiều người cho rằng, nếu cứ kéo dài tình trạng thiếu toàn diện, đồng nhất trong kè chắn vùng bờ biển thì sẽ ngày càng xuất hiện những điểm sạt lở mới, bởi khi kè được chỗ này thì triều cường sẽ công phá chỗ khác theo quy luật tự nhiên.

Nguồn: http://baoquangnam.vn/xa-hoi/201612/mua-lu-trieu-cuong-uy-hiep-bai-bien-…

.
.
.
.